Tôi đã học cách vượt qua nỗi sợ làm phật lòng người khác như thế nào?

Theo dõi chúng tôi trên LinkedIn:

Tôi đã học cách vượt qua nỗi sợ làm phật lòng người khác như thế nào?

Tác giả: Hoàng Mỹ Hạnh, Chuyên viên Tư vấn Đầu tư cao cấp, Mekong Capital

28/2/2019

———

Hoang My Hanh - Principal of Mekong Capital

Hoàng Mỹ Hạnh, Chuyên viên Tư vấn Đầu tư Cao cấp, Mekong Capital

Đầu năm 2018, tôi trở thành chuyên viên Hỗ trợ Tư vấn Đầu tư cho một công ty trong danh mục tư vấn đầu tư của Mekong Capital. Tôi lập tức bắt tay vào việc tìm hiểu về từng thành viên trong ban điều hành nhằm xây dựng quan hệ với các thành viên này. Tôi nghĩ rằng việc có mối quan hệ tốt là ưu tiên hàng đầu để tôi có thể dễ dàng hợp tác, làm việc với cả đội.

Trong buổi họp với sếp Chris Freund, tôi hỏi anh ấy về những điều quan trọng nhất cần được hoàn thành của công ty là gì, cũng như tôi cần làm gì để đóng góp vào sự thành công của khoản đầu tư này. Chris chia sẻ rằng có một điều mà tôi có thể làm tốt để giúp chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp ở đây chính là việc không ngại nêu lên những thiếu sót hoặc yêu cầu mọi người hoàn thành trách nhiệm mà không sợ làm “mất lòng” họ.

Cơ hội cho tôi áp dụng lời khuyên của Chris đã đến khi công ty triển khai dự án đối chiếu hàng tồn kho, do công ty phát hiện hệ thống phần mềm kế toán mới có sự sai lệch với sổ sách kế toán cũ được ghi nhận bằng tay. Ban đầu, đội dự án cam kết hoàn thành việc đối chiếu vào giữa tháng 4. Sau đó, đội lại hoãn hạn hoàn thành đến cuối tháng 5. Trong các cuộc họp với ban điều hành, đội dự án liên tục viện lý do là dự án quá phức tạp, có quá nhiều bước, phải làm việc với nhiều bộ phận, và đội đã mất rất nhiều thời gian cũng như công sức cho dự án này. CEO đảm bảo với chúng tôi rằng ban điều hành vẫn đang giám sát chặt chẽ tiến độ của dự án này. Họ thà triển khai chậm tiến độ chứ không muốn đưa ra kết quả sai. Cách CEO trình bày rất thuyết phục và chúng tôi gần như đã có cùng suy nghĩ và dự sẽ đồng ý để kéo dài thời hạn dự án này đến cuối tháng 6.

Tuy nhiên, tôi càng suy nghĩ kỹ về lời giải thích từ phía công ty, cũng như nhớ lại lời khuyên mà Chris dành cho tôi ban đầu, tôi càng quyết tâm tìm hiểu thêm về những gì đã xảy ra trong dự án này mà đã dẫn đến việc dự án cứ bị kéo dài. Tôi gửi thư điện tử cho CEO để yêu cầu danh sách chi tiết những số liệu đã được đối chiếu và những số liệu chưa được đối chiếu. Sau khi nhận được thư của tôi, CEO gọi cho tôi ngay tối hôm đó. Tôi lập tức đoán hẳn là CEO đang rất bực bội tôi, nên tôi chần chừ không muốn bắt máy. Lúc ấy đã khá muộn mà tôi thì cũng khá mệt mỏi sau một ngày dài. Thế nhưng tôi vẫn quyết định nhận cuộc gọi.

Và tôi đã dự cảm đúng. CEO đã rất tức giận. Chị phàn nàn, cho rằng tôi thiếu kinh nghiệm cũng như có quá ít kiến thức về quản lý hoạt động kinh doanh của công ty. Tôi nóng bừng hết cả người, và cảm thấy thật giận. Nhưng tôi hiểu rằng tôi không nên lên tiếng bao biện hoặc đáp trả, vì nếu làm vậy, tôi đang tự khẳng định điều chị nói là đúng. Và khi chị phản ứng như vậy, tôi cảm nhận được là chị đang kháng cự một điều gì đó và chính điều đó làm cho chị phản ứng như vậy. Vì vậy, thay vì đáp trả và tranh cãi, tôi đã thật tâm lắng nghe để cảm nhận được trọn vẹn cảm xúc của chị, đồng thời, ghi nhận rằng hành động của tôi đã làm chị giận. Tôi đề nghị hai bên sẽ gặp và trao đổi trực tiếp việc này một cách chi tiết trong cuộc họp quản trị tiếp theo.

Thế rồi, trong buổi họp quản trị, chúng tôi hỏi đội dự án về số liệu cụ thể đã được đối chiếu và chưa được đối chiếu. Chúng tôi phát hiện ra rằng chỉ có không quá 10% hàng tồn kho vẫn chưa được đối chiếu. Sự chậm trễ của dự án đối chiếu hàng tồn kho dẫn đến nhiều dự án khác bị trì hoãn. Vì thế, chúng tôi thống nhất rằng những dự án đang bị trì hoãn này nên được triển khai ngay, đồng thời chúng tôi lên kế hoạch hành động cụ thể để đối chiếu 10% hàng tồn kho còn lại. Nhờ thực hành giao tiếp trực tiếp và thẳng thắn mà không sợ làm “mất lòng” người khác, chúng tôi không chỉ hoàn thành được nhiều việc, mà còn truyền cảm hứng cho đội dự án làm việc với tinh thần “tôn trọng lời nói” và giữ integrity (integrity có nghĩa là làm những việc mà mình nói là mình sẽ làm và hoàn thành việc đó đúng hạn).

Tôi kể câu chuyện này với mong muốn gửi gắm một thông điệp về khả năng mà chúng ta có thể tạo ra đột phá bằng cách mạnh dạn lên tiếng, kiên trì giữ vững cam kết, giao tiếp trực tiếp và thẳng thắn, cũng như giao tiếp để hiểu rõ những gì đã xảy ra. Khi chúng ta bứt phá để vượt lên trên định kiến và chỉ tập trung năng lượng vào những gì thực tế đã xảy ra, chúng ta sẽ luôn tìm ra con đường phù hợp để hoàn thành mục tiêu mà chúng ta cam kết.


Vui lòng nhấn vào nút dưới đây để đăng ký nhận bản tin quý của Mekong Capital.

Mekong Capital đầu tư vào các ngành theo xu hướng tiêu dùng và đóng góp giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo mô hình Đầu tư Lấy Tầm nhìn làm Định hướng. Các công ty nhận đầu tư thường nằm trong số các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam.

Đầu năm 2022, người sáng lập Mekong Capital, Chris Freund, đã xuất bản cuốn “Chuyện Lẩu Cua”, một câu chuyện về một đàn cua bị bắt bỏ vào nồi nước sôi. Thoạt nhìn, “Chuyện Lẩu Cua” trông như một quyển truyện tranh thiếu nhi với trang bìa đầy màu sắc và nét vẽ giàu tính biểu cảm theo phong cách hoạt hình. Nhưng càng về sau, độc giả dễ dàng nhận thấy rằng câu chuyện hàm chứa một thông điệp quan trọng cho các doanh nghiệp về chuyển hóa, năng lực lãnh đạo và việc tập trung vào một tầm nhìn rõ ràng.

Sách đang có bán tại Tiki (bìa cứng): bit.ly/38baF8a

Theo dõi chúng tôi trên LinkedIn:
Follow Mekong Capital on LinkedIn

Để lại nhận xét

Không cần đăng ký.




 

Bài viết mới nhất