Sự hình thành nên Mekong Capital

Theo dõi chúng tôi trên LinkedIn:

Sự hình thành nên Mekong Capital

Tác giả: Chris Freund, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Mekong Capital

30/5/2018

———

Lễ khai trương Mekong Enterprise Fund

Đó là năm 2000, lúc tôi đang làm việc tại Templeton ở Singapore. Sau thời gian làm việc tại Việt Nam trong những năm 90, Singapore là một sự thay đổi lớn đối với tôi. Tôi đến Việt Nam năm 1994 khi còn là một người ngoại quốc trẻ tuổi đến với đất nước này ngay sau khi Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận. Thời điểm đó mọi thứ thật bí ẩn và kỳ lạ, tràn đầy hứng khởi và các khả năng mới. Mọi thứ mà tôi và những người tôi biết ở Việt Nam đang làm là lúc đó rất độc đáo và tiên phong — không có hai nhà kinh doanh nào làm điều tương tự nhau cả. Tuy nhiên, làm việc cho một tổ chức tài chính ở Singapore một vài năm sau đó, tôi thấy như không có mảnh đất mới để khám phá và tôi là một mắt xích nhỏ trong guồng máy của một hệ thống lớn nào đó. Vì vậy, trong khi tôi rất thích sống ở Singapore, tôi mong muốn được trở lại thị trường mới nổi tại Việt Nam.

Mặc dù các khoản đầu tư của Templeton ở Việt Nam vào những năm 90 hoạt động khá ổn và chúng tôi đóng vai trò là thành viên của Hội đồng quản trị, tôi luôn cảm thấy rằng việc tham dự các cuộc họp Hội đồng quản trị hàng quý là không đủ và có thể tạo thêm giá trị cao hơn nhiều với tư cách cổ đông so với những gì chúng tôi đã làm. Tất cả 3 khoản đầu tư Templeton đã thực hiện ở Việt Nam trong những năm 1990 là liên doanh với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và hầu hết tất cả các cuộc họp Hội đồng quản trị chủ yếu là tranh luận để chọn nhà cung cấp. Có một sự mâu thuẫn lợi ích liên tục, và Hội đồng quản trị ít khi có các cuộc bàn luận tập trung vào việc làm thế nào để xây dựng giá trị lâu dài cho các công ty đó. Tôi nghĩ ắt hẳn phải có một cách nào đó tốt hơn như vậy.

Trong thời gian làm việc tại Singapore, tôi đã có cơ hội gặp gỡ các Tổng Giám đốc/người sáng lập của một loạt các công ty công nghệ Đài Loan và Israel. Tôi có thể thấy rằng khối kinh tế tư nhân rất chủ động và đáp ứng nhu cầu thị trường theo cách mà DNNN hoặc doanh nghiệp liên doanh với DNNN không bao giờ có thể làm được. Càng ngày tôi càng thấy rõ rằng các công ty tư nhân sẽ nổi lên ở Việt Nam với vai trò là động lực tăng trưởng chính, và các công ty tư nhân sẽ phát triển nhanh hơn nhiều so với DNNN và liên doanh với DNNN.

Trong khi đó, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới có một chương trình tại Việt Nam gọi là Dự án Phát triển Khối Kinh tế Tư nhân Mekong (MPDF), có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển của khối kinh tế tư nhân ở Việt Nam, Campuchia và Lào. MPDF đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh năm 1999 cho một quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ ở Việt Nam, Lào và Campuchia để giúp phát triển khối kinh tế tư nhân ở những nước đó. MPDF là một tổ chức phi lợi nhuận và không quản lý một quỹ như vậy và họ đang tìm kiếm một ai đó để quản lý nó.

Vì vậy, một ngày nọ, khi Tổng Giám đốc của MPDF điện thoại cho tôi ở Singapore để hỏi tôi liệu tôi có biết ai có thể quản lý một quỹ nhỏ để đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam, Lào và Campuchia, tôi biết ngay đây là điều mà tôi đã tìm kiếm. Đây sẽ là cơ hội đáp ứng được ba mối quan tâm chính của tôi: làm việc tại Việt Nam — một đất nước mà tôi yêu thích; đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển của khối kinh tế tư nhân còn sơ khai tại Việt Nam; và tìm cách tạo thêm giá trị nhiều hơn nữa cho các công ty được đầu tư so với những gì các nhà đầu tư đã làm.
Tại thời điểm này, chỉ còn một quỹ khác hoạt động tích cực tại Việt Nam là Dragon Capital, và họ chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá. Vì vậy, tôi nhận thấy cơ hội thành lập quỹ đầu tiên tại Việt Nam mà chỉ tập trung duy nhất vào việc đầu tư vào các công ty tư nhân. Tôi hình dung việc chúng tôi sẽ đầu tư vào các công ty tư nhân và các công ty này sẽ phát triển thành các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, và nhờ tăng trưởng nhanh chóng họ sẽ vượt qua các doanh nghiệp nhà nước để trở thành các doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam trong vòng 10 năm tới.

Một trong những nhà tài trợ của MPDF là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và họ rất vui mừng về dự án này do tác động phát triển dự kiến. Tôi cũng đã mời được một nhà đầu tư nổi tiếng để trở thành một cổ đông sáng lập của Mekong Capital và một nhà đầu tư trong Quỹ Doanh nghiệp Mekong (MEF). Nhà đầu tư này gần đây đã nghỉ hưu khỏi vai trò Chủ tịch, Giám đốc điều hành và Giám đốc đầu tư của một trong những tổ chức quản lý đầu tư lớn nhất thế giới. Ông là người ủng hộ từ ban đầu rất đáng quý, đã dùng uy tín để giúp chúng tôi xây dựng Mekong Capital và gây quỹ. Với ba đối tác này, tôi đã từ chức ở Templeton và trở lại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 3 năm 2001. Đến tháng 4 năm 2001 tôi thành lập pháp nhân cho Mekong Capital, và chúng tôi cũng nhanh chóng nhận được giấy phép văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tại thời điểm này đôi khi tôi lo lắng về việc liệu chúng tôi có thể gây quỹ thành công hay không, nhưng bởi tôi rất hào hứng về cơ hội này nên tôi cứ tiếp tục dấn bước.

ADB và MPDF còn giới thiệu tôi với các nhà đầu tư khác, và sau đó các nhà đầu tư này cũng trở thành cổ đông của quỹ đầu tiên của chúng tôi. Mặc dù IFC không thể đầu tư vào quỹ của chúng tôi vì họ đã đầu tư vào quỹ Dragon Capital năm trước và không muốn đầu tư vào hai quỹ cạnh tranh, họ cũng giới thiệu các nhà đầu tư khác cũng sẽ đầu tư vào Quỹ MEF. Và với các nhà đầu tư này, chúng tôi đã đưa Quỹ MEF vào hoạt động từ giữa năm 2002 sau một năm tích cực gây quỹ.

Các công ty thuộc danh mục đầu tư của Quỹ MEF cuối cùng đã không trở thành công ty tư nhân hàng đầu tại Việt Nam như tôi đã hình dung. Nhìn lại, nhiều khía cạnh của chiến lược của Quỹ MEF và quyết định đầu tư của chúng tôi đã sai. Ví dụ, các công ty này đã không tập trung xây dựng đội ngũ quản lý xuất sắc; quỹ tập trung đầu tư vào các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu, hóa ra không phải là một lĩnh vực tốt cho các nhà đầu tư tổ chức ở Việt Nam; các doanh nghiệp gia đình thường có xu hướng ngại thay đổi. Chúng tôi đã đã cố gắng hết sức nhưng thường thất bại trong việc tạo thêm nhiều giá trị cho các công ty này. Đồng thời, chúng tôi cũng đã phạm nhiều sai lầm trong việc lựa chọn thời điểm thoái vốn. Quỹ MEF cuối cùng đã hoàn lại xấp xỉ 100% giá trị vốn ban đầu cho cổ đông, và đó là một kết quả đáng thất vọng. Tuy nhiên, giai đoạn đó đã cho chúng tôi sự khởi đầu và tạo cơ hội cho nhiều bài học kinh nghiệm.

Từ những bài học kinh nghiệm này, quỹ thứ hai của chúng tôi, Quỹ Doanh nghiệp Mekong II (MEF II), đã thực hiện nhiều cải tiến và trở thành một trong những quỹ đạt kết quả cao nhất trong lịch sử đầu tư vốn cổ phần tư nhân tại châu Á. Quỹ MEF II đã trả lại hơn 450% giá trị vốn ban đầu cho cổ đông. Một số công ty nhận đầu tư đã trở thành doanh nghiệp tư nhân hàng đầu tại Việt Nam như Thế Giới Di Động, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Việt Nam; Cổng Vàng, chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam; và Trường Quốc tế Việt Úc (VAS), nhóm trường K-12 từ cấp mẫu giáo đến hết lớp 12 tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Tôi chia sẻ câu chuyện này đến các bạn bởi cam kết gia tăng giá trị cho các công ty tư nhân Việt Nam đã luôn thẳm sâu trong lõi gen DNA của Mekong Capital ngay từ những ngày đầu. Mặc dù ban đầu chúng tôi có những vấp ngã, chúng tôi đã kiên trì, học được từ những sai lầm của mình và cuối cùng đã phát triển một mô hình đáng tin cậy để luôn gia tăng giá trị cho các công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi.

Chúng ta hãy cùng hình dung về tiềm năng cho ngành đầu tư vốn cổ phần tư nhân tại các thị trường mới nổi nếu hạt giống được trồng ở Việt Nam từ năm 2001 cuối cùng đã góp sức nâng chuẩn về việc các nhà đầu tư cổ phần tư nhân đóng góp tạo giá trị gia tăng cho các công ty được đầu tư lên một tầm cao mới.


Vui lòng nhấn vào nút dưới đây để đăng ký nhận bản tin quý của Mekong Capital.

Mekong Capital đầu tư vào các ngành theo xu hướng tiêu dùng và đóng góp giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo mô hình Đầu tư Lấy Tầm nhìn làm Định hướng. Các công ty nhận đầu tư thường nằm trong số các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam.

Đầu năm 2022, người sáng lập Mekong Capital, Chris Freund, đã xuất bản cuốn “Chuyện Lẩu Cua”, một câu chuyện về một đàn cua bị bắt bỏ vào nồi nước sôi. Thoạt nhìn, “Chuyện Lẩu Cua” trông như một quyển truyện tranh thiếu nhi với trang bìa đầy màu sắc và nét vẽ giàu tính biểu cảm theo phong cách hoạt hình. Nhưng càng về sau, độc giả dễ dàng nhận thấy rằng câu chuyện hàm chứa một thông điệp quan trọng cho các doanh nghiệp về chuyển hóa, năng lực lãnh đạo và việc tập trung vào một tầm nhìn rõ ràng.

Sách đang có bán tại Tiki (bìa cứng): bit.ly/38baF8a

Theo dõi chúng tôi trên LinkedIn:
Follow Mekong Capital on LinkedIn

Để lại nhận xét

Không cần đăng ký.




 

Bài viết mới nhất